Diễn biến Chiến_dịch_Debrecen

Quân đội Liên Xô giải phóng Debrecen

7 giờ sáng ngày 6 tháng 10, sau các loạt pháo kích chuẩn bị như thường lệ, cánh quân xung kích của Phương diện quân Ukraina 2 gồm Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6, Cụm kỵ binh - cơ giới của tướng I. A Pliyev và cánh trái của Tập đoàn quân 27 bắt đầu tấn công lên phía Bắc. Bên sườn trái, Tập đoàn quân 53 mở các mũi tiến công về hướng Solnok (Szolnok). Chủ lực của Tập đoàn quân 46 (Liên Xô) và Tập đoàn quân 1 (Romania) có Quân đoàn xe tăng 18 đi kèm cũng mở các đòn đột kích nhằm vào Seget và Senta. Ở sườn phải, các tập đoàn quân 40 và cận vệ 7 vẫn tiếp tục duy trì sức ép lên Tập đoàn quân 8 (Đức) nhằm giữ chân tập đoàn quân này tại khu vực Dej.

Trên hướng đột kích chủ yếu, Tập đoàn quân 6 (Đức) và Tập đoàn quân 2 (Hungary) chống cự kịch liệt trên tuyến phòng thủ từ Oradea đến phía nam Cluj, buộc Tập đoàn quân xe tăng 6 (Liên Xô) phải dừng lại trên tuyến sông Krishul Repele từ ngày 7 đến ngày 8 tháng 10. Đến ngày 9 tháng 10, Tập đoàn quân 27 vẫn chưa vượt qua được điểm nút ở Turda. Bên cánh trái, Cụm kỵ binh cơ giới của tướng I. A. Pliyev đã thu được những thành công lớn trong ngày tấn công đầu tiên vào điểm tiếp giáp giữa Tập đoàn quân 6 (Đức) và Tập đoàn 3 (Hungary). 12 giờ trưa ngày 6 tháng 10, Quân đoàn kỵ binh cận vệ 6 của tướng S. V. Sokolov đã đánh chiếm thị trấn Gyula. Đến cuối ngày, Quân đoàn kỵ binh cận vệ 4 đã đánh chiếm thị trấn nhà ga Békéscsaba, cách chiến tuyến buổi sáng cùng ngày 11 km. Ngày 7 tháng 10, Quân đoàn cơ giới cận vệ 7 bất ngờ đánh chiếm thị trấn Bekesh (Bekes) và vượt sông Koros tiến lên phía Bắc tạo ra nguy cơ chia cắt giữa Tập đoàn quân 6 (Đức) và Tập đoàn quân 3 (Hungar).[12]

Để cứu vãn tình hình, tướng Heszlényi József tung Sư đoàn xe tăng 1 và Sư đoàn bộ binh 20 (Hungary) phản kích tại khu vực Kamut -Kondorosh và kìm giữ Quân đoàn cơ giới cận vệ 7 tại đây đến hết ngày 7 tháng 10. Ngày 8 tháng 10, cả ba quân đoàn của Cụm kỵ binh cơ giới Pliyev tiếp tục vượt sông Kharmash phối hợp với Tập đoàn quân 53 tấn công lên Solnok. Đến cuối ngày 8 tháng 10, Cụm kỵ binh cơ giới của I. A. Pliev đã cắt đứt đường sắt từ Debrecen qua Solnok đi Budapest tại các thị trấn Heidi Soboslo (Hajduszoboszlo), Nadudvar, Pyushpek (???), Kartsag (Karcag), Kishuysallash (Kisujszallas) và Kenderesh (Kenderes). Ở giữa mặt trận, ngày 10 tháng 10, Nguyên soái R. Ya. Malinovsky phải điều chỉnh lại binh lực. Cụm kỵ binh cơ giới của tướng S. I. Gorshkov từ thê đội dự bị tăng cường cho Tập đoàn quân 27. Quân đoàn bộ binh 33 (Tập đoàn quân 27) được điều động phối thuộc cho Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6. Ngày 11 tháng 10, Tập đoàn quân 27 và Cụm kỵ binh cơ giới Gorshkov đánh chiếm Cluj, trung tâm phòng ngự của Tập đoàn quân 2 (Hungary) tại Transilvania. Tuy nhiên, Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 vẫn chưa chiếm được trung tâm phòng ngự Oradea của Tập đoàn quân 6 (Đức). Các sư đoàn xe tăng 1 và 23 (Đức) cùng các sư đoàn bộ binh 7, 9, 27 (Hungary) đã tạo thành một vành đai phòng thủ cứng rắn ở phía Nam Oradea.[13]

Đêm 8 rạng ngày 9 tháng 10, tướng I. A. Pliyev nhận được mệnh lệnh mới từ Bộ tư lệnh Phương diện quân Ukraina 2 yêu cầu thay đổi hướng tấn công. Cụm kỵ binh cơ giới được giao nhiệm vụ tách một quân đoàn kỵ binh tấn công lên Debrecen. Quân đoàn cơ giới cận vệ 7 và quân đoàn kỵ binh còn lại phải quay sang phía Đông, phối hợp với Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 phá vỡ tuyến phòng thủ Oradea của quân Đức và đánh chiếm thành phố này. Phát hiện mũi tấn công của kỵ binh cơ giới Liên Xô từ phía Tây, ngày 10 tháng 10, tướng Maximilian Fretter-Pico tung Sư đoàn xe tăng 2 và các sư đoàn bộ binh 2 và 25 (Hungary) quay sang phía Tây, chặn kích Quân đoàn cơ giới cận vệ 7 (Liên Xô) trên sông Beret. Tướng I. A. Pliyev huy động hỏa lực của tất cả các khẩu đội Katyusha, pháo tự hành và súng cối có trong tay để yểm hộ cho công binh bắc cầu và làm đường ngầm vượt sông. Sáng 12 tháng 10, Quân đoàn kỵ binh cận vệ 6 và Quân đoàn cơ giới cận vệ 7 đã tiếp cận phía Tây Oradea và phối hợp với Tập đoàn quân xe tăng 6 tấn công thành phố. 18 giờ chiều 12 tháng 10, các sư đoàn xe tăng 1, 23 (Đức) và 2 (Hungary) bị thiệt hại nặng buộc phải bỏ thành phố rút về Debrecen.[12]

Mất Oradea và Cluj, tuyến phòng thủ của liên quân Đức - Hungary tại Tây Transilvania sụp đổ. Để tránh khỏi bị bao vây, tướng Johann Friessner buộc phải ra lệnh cho Tập đoàn quân 8 (Đức) rút khỏi khu vực Dej về phía Tây. Sở chỉ huy tiền phương của Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) cũng được rời về Mishkol. Mặc dù Johann Friessner báo cáo rằng quyết định rút Tập đoàn quân 8 (Đức) ra khỏi cái túi Transilvania do ông ta đưa ra nhưng trong bức điện ngày 17 tháng 10 năm 1944, Adolf Hitler vẫn yêu cầu xử phạt tướng Otto Wöhler vì đã "tự tiện đưa ra quyết định rút quân".[14]

Do phòng tuyến của Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) ở Transilvania đã bị phá vỡ, Nguyên soái R. Ya. Malinovsky chỉ để lại Tập đoàn quân 40 phối hợp với Tập đoàn quân 4 (Romania) tổ chức truy kích Tập đoàn quân 8 (Đức) dọc theo các triền núi qua Baya Mare (???) đến Satu Mare. Tập đoàn quân cận vệ 7 được rút khỏi khu vực Dej và di chuyển đến khu vực Solnok (???) thay cho Tập đoàn quân 53 đang tấn công lên phía Tây Debrecen. Ngày 14 tháng 10, Cụm kỵ binh cơ giới của tướng I. A. Pliyev đã hội đủ 3 quân đoàn phối hợp với Quân đoàn xe tăng cận vệ 5 (Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6) và Quân đoàn kỵ binh cận vệ 6 (Cụm kỵ binh cơ giới của tướng S. I. Gorshkov) chuẩn bị tấn công từ ba hướng vào Debrecen. Tuy nhiên, cuộc tấn công bị Bộ Tổng tham mưu Liên Xô ra lệnh hoãn lại do tại cuộc đàm phán ở Moskva, phía Hungary đề nghị quân đội Liên Xô ngừng tấn công quân Hungary để có thời gian tập hợp lại lực lượng quay súng chống quân Đức. Ngày 15 tháng 10, tại Budapest nổ ra cuộc đảo chính quân sự. Tướng Ferenc Szálasi, người của Đảng Quốc xã Hungary được đưa lên thay Horthy Miklós đã ra lệnh cho các tập đoàn quân Hungary tiếp tục chống lại Hồng quân. Ngày 16 tháng 10, các tập đoàn quân Liên Xô và Romania tiếp tục tấn công.[15]

Ở hướng Nam Hungary, Tập đoàn quân cận vệ 4 (Liên Xô) được điều từ lực lượng dự bị ra mặt trận đã phối hợp với Tập đoàn quân 46 vượt sông Tisza, đánh chiếm Szeged, Subotica, Szombor (Sombor) và phát triển đến tuyến Apatin, Batina, Baya (Baja) trên bờ Đông sông Danub. Tập đoàn quân 46 áp sát thành phố Kechkemet và chỉ còn cách thủ đô Hungary khoảng 90 km về phía Đông Nam. Trên hướng Bắc, ngày 16 tháng 10, các tập đoàn quân 27, 40 (Liên Xô) và Tập đoàn quân 4 (Romania) đều vượt biên giới Romania và tấn công về hướng Mishkolc. Ngày 18 tháng 10, các cụm kỵ binh cơ giới của tướng I. A. Pliyev và S. I. Goshkov cùng Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 bắt đầu công kích Debrecen. Lực lượng Đức Quốc xã và Hungary phòng thủ tại thành phố gồm Sư đoàn xe tăng 23, Sư đoàn 1 SS (Đức) và Sư đoàn bộ binh 6 (Hungary) được trang bị 120 xe tăng và 3 trung đoàn pháo hạng nặng đã cố sức chống trả.[16]

Sáng 19 tháng 10, sau loạt pháo bắn chuẩn bị kéo dài 40 phút, các đơn vị xe tăng và kỵ binh Liên Xô bắt đầu tấn công vào thành phố. Cuộc chiến diễn ra ác liệt trên từng dãy nhà, từng con phố. Mỗi một công trình xây dựng kiên cố đều được quân Đức và Hungary biến thành một pháo đài nhỏ hoặc một ổ đề kháng. Đến cuối ngày 19 tháng 10, quân đội Liên Xô chỉ chiếm được nửa phía Nam thành phố nhưng quân đội Đức Quốc xã và quân Hungary hầu như đã không còn lực lượng dự bị. Sáng 20 tháng 10, Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 và các quân đoàn kỵ binh Liên Xô tiếp tục quét nốt những ổ đề kháng còn lại của quân Đức và Hungary. Tàn quân của Sư đoàn bộ binh 6 (Hungary) và Sư đoàn xe tăng 23 (Đức) rút lên phía Bắc về hướng Nyíregyháza trong cuộc truy đuổi "sát gót" của Cụm kỵ binh cơ giới Liên Xô.[17]

Chính phủ Hungary nghị hòa

Trong khi các trận đánh tại khu vực Tây Transilvania đang diễn ra ác liệt thì cuộc đàm phán tại Moskva giữa phái đoàn của Chính phủ Hungary của Horthy Miklós do bá tước, thượng tướng Gábor Farago dẫn đầu với phái đoàn của Chính phủ Liên Xô, có sự tham gia của các đại diện Anh và Mỹ tại Moskva đã sắp sửa đi đến một hòa ước giữa Hungary với các nước đồng minh chống phát xít. Tuy nhiên, các đại biểu đến từ Budapest chỉ được ủy nhiệm ký kết hòa ước nếu trong đó có hai điều quy định: Một là quân đội Liên Xô thỏa thuận với quân đội Anh và Mỹ để cùng chiếm đóng Hungary; hai là cho quân đội Đức Quốc xã được tự do rút lui khỏi Hungary. Đại diện các nước đồng minh nêu rõ quan điểm rằng họ kiên quyết tôn trọng nền độc lập và tự chủ của Hungary với hai điều kiện: Hungary phải cắt đứt mọi quan hệ với nước Đức Quốc xã và quân đội Hungary phải quay súng chống lại quân đội Đức Quốc xã. Ngoài ra, Hungary phải rút quân đội của họ khỏi lãnh thổ các nước Romania (kể cả vùng Tây Transilvania), Nam Tư, Slovakia. Cuối cùng, phái đoàn Hungary phải chấp nhận những điều kiện đó.[18] Ngày 11 tháng 10, Chính phủ Liên Xô và Chính phủ Hungary ký kết một thỏa thuận sơ bộ về việc ngừng bắn giữa hai bên trên mặt trận Hungary.[19]

Đổi lại, phái đoàn Hungary đề nghị quân đội Liên Xô ngừng tấn công trên hướng Budapest với lý do họ cần có thời gian để tập trung lực lượng Hungary về khu vực thủ đô để chống lại các đòn đột kích của quân Đức. Chính phủ Liên Xô đồng ý tạm ngừng bắn từ ngày 14 tháng 10. Bộ Tổng tham mưu Liên Xô đã chỉ thị cho Phương diện quân Ukraina 2 tạm ngừng tấn công. Đây là một trong những lý do khiến cho tốc độ của chiến dịch tấn công Debrecen bị chậm lại và tướng Johannes Frießner có thời gian để rút Tập đoàn quân 8 (Đức) khỏi Transilvania. Sau đó, tập đoàn quân này được Bộ tư lệnh Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) sử dụng để mở cuộc phản công tại khu vực Nyíregyháza.[2]

Quá trình nghị hòa của chính phủ Hungary cũng không nhất quán vì trên thực tế, Bộ Tổng tham mưu Hungary không điều khiển được quân đội của mình. Bộ máy SS và mật thám Gestapo của Đức giám sát chặt chẽ mọi hành động của các sĩ quan chỉ huy Hungary. Vì vậy, trên chiến trường, quân đội Hungary vẫn tiếp tục kháng cự và không có dấu hiệu rút về thủ đô như dự tính của tướng Gábor Farago. Dấu hiệu về chính sách hai mặt của chính phủ Horthy Miklós càng rõ ràng khi Bộ Tổng tham mưu Hungary cử đến Szeged một đại tá quân nhu hoàn toàn không nắm được tình hình và không có quyền chỉ huy quân đội để đàm phán với nguyên soái R. Ya. Malinovsky. Tại cuộc đàm phán này, phía Liên Xô yêu cầu Hungary phải rút ngay quân đội của họ khỏi tuyến sông Tisza về Budapest và sử dụng một phần lực lượng mở một mũi đột kích vào quân Đức đang phòng thủ tại khu vực Szolnok; các cấp chỉ huy Hungary phải ra lệnh cho quân đội của mình bắt đầu chiến đấu chống lại quân Đức và bắt liên lạc ngay với các đơn vị Liên Xô để phối hợp tác chiến. R. Ya. Malinovsky cũng yêu cầu đúng 8 giờ ngày 16 tháng 10, phía Hungary phải đem đến Szeged những tin tức đầy đủ về tình hình các lực lượng Đức và Hungary bao gồm biên chế, nơi đóng quân, các kế hoạch hoạt động. Tuy nhiên, phía Hungary không có hồi âm.[20]

Ngày 14 tháng 10, Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô yêu cầu chính phủ của Horthy Miklós phải thực hiện ngay trách nhiệm của họ trong điều khoản thỏa thuận sơ bộ. Đó là việc cắt đứt ngay các quan hệ với nước Đức Quốc xã, rút quân đội Hungary khỏi Romania, Nam Tư và Tiệp Khắc, thông báo cho phía Liên Xô những tin tức về vị trí đóng quân của quân Đức và Hungary đồng thời cử các đại diện có thẩm quyền đến phối hợp với quân đội Liên Xô trong việc điều động quân đội Hungary. Tuy nhiên, tất cả những cố gắng nhằm sớm đem lại hòa bình ở Hungary đã bị phá vỡ bởi cuộc đảo chính ngày 15 tháng 10 tại Budapest.

Đảo chính ở Budapest

2 giờ sáng ngày 15 tháng 10 năm 1944, Nhiếp chính vương Hungary Horthy Miklós lên đài phát thanh Budapest tuyên bố cắt đứt quan hệ với nước Đức Quốc xã và rút Hungary ra khỏi cuộc chiến. Bản tuyên bố có đoạn viết:

Tôi được tin đích xác rằng các đội quân đặc nhiệm Đức đang mưu đồ dùng một cuộc đảo chính để áp đặt chính quyền của họ và biến Hungary thành hậu phương chiến trường của đế chế Đức. Do đó, tôi đã thông báo cho các đại biểu của đế chế Đức ở Hungary về việc chúng ta đã ký kết hiệp định đình chiến sơ bộ với đối phương và Hungary sẽ đình chỉ mọi hoạt động quân sự chống lại họ... Tôi đã ra các chỉ thị về những vấn đề nói trên cho Bộ chỉ huy quân sự Hungary. Vì vậy, chiểu theo những tuyên bố và mệnh lệnh mà tôi đã ban hành, các đơn vị quân đội có trách nhiệm phải tuân thủ những người chỉ huy mà tôi đã cử ra
— Horthy Miklós.[19]

Tuy nhiên, quân đội Hungary đã tuột khỏi tay chính quyền của Horthy Miklós. Bằng các hoạt động có tổ chức, phe phát xít trong quân đội Hungary do tướng Ferenc Szálasi cầm đầu được sự bảo trợ của bộ máy SS ở Hungary đã thay thế các sĩ quan Hungary có tư tưởng cầu hòa bằng những người của Đảng Quốc xã Hungary. Những người ủng hộ việc đình chỉ chiến sự chống lại Liên Xô và các nước đồng minh đều bị đàn áp bằng vũ lực. Tại Budapest, tướng Johann Friessner đã bố trí Sư đoàn xe tăng 24 chiếm đóng thành phố. Dĩ nhiên, sư đoàn này mới là những "ông chủ" thực sự ở Budapest chứ không phải là Horthy Miklós. Trong khi đài phát thanh Budapest còn đang truyền đi bản tuyên bố của Horthy Miklós thì tướng Erich von dem Bach-Zalewski và thiếu tá Otto Skorzeny đã điều động và bố trí các đơn vị biệt kích Đức vào các vị trí khống chế thành phố và hoàng cung. Một cuộc đảo chính quân sự chống lại Horthy Miklós đã diễn ra ngay trong ngày 15 tháng 10 năm 1944.[21]

Mờ sáng ngày 15 tháng 10, toán biệt kích SS mật hiệu "Margarete I" thuộc lực lượng đặc biệt "Friedenthal" do thiếu tá đặc nhiệm SS Otto Skorzeni chỉ huy đi trên một xe tải và bốn xe con dân sự đã bất ngờ đột nhập hoàng cung ở Budapest. Hai lính gác tại cổng hoàng cung bị hạ bởi các loạt đạn tiểu liên MP 38/40 từ cự ly 10 đến 15 m. Không vấp phải một sự kháng cự đáng kể nào, toán biệt kích SS xông thẳng vào nơi ở của Nhiếp chính Horthy Miklós. Thêm hai sĩ quan cận vệ của nhiếp chính vương bị hạ tại sảnh chính. Toán lính cận vệ của hoàng cung từ nhà ở phía sau xông đến sảnh chính. Nhưng những khẩu súng trường của những người lính chỉ quen duyệt binh hơn là đánh trận không chống lại được tiểu liên và những quả thủ pháo trong tay đám biệt kích thiện chiến của Otto Skorzeni. Thêm ba lính gác Hungary bị hạ, số còn lại bỏ chạy. Otto Skorzeni và toán biệt kích Đức xông vào phòng làm việc của Horthy Miklós. Tại đây còn có con trai của Nhiếp chính vương và viên sĩ quan bí thư của Horthy. Cả ba bị áp giải lên một xe con "Mercedes" đã chờ sẵn trước sảnh chính. Để không gây sự chú ý, đám lính biệt kích Đức đã nhanh chóng dọn dẹp các xác chết và gói vào những tấm thảm chất lên xe tải chở đi. Tất cả sự kiện chỉ diễn ra trong vòng không quá 15 phút đồng hồ.[22]

Horthy Miklós được đưa đến gặp tướng Wenck tại một khách sạn trên một ngọn đồi gần Budapest. Tại đây, đã diễn ra cuộc thỏa thuận về vận mạng của Horthy Miklós. 14 giờ chiều 15 tháng 10, một đoạn băng ghi âm ngắn được phát trên đài phát thanh Budapest. Trong đó, Horthy Miklós tuyên bố từ nhiệm và chấm dứt hiệp định hòa bình sơ bộ vừa ký kết với Liên Xô. Ngay sau đó, tướng Ferenc Szálasi, lãnh tụ Đảng Quốc xã Hungary (còn có tên là Đảng "Mũi tên chữ thập") tuyên bố nhậm chức Nhiếp chính vương Hungary và ra lệnh cho quân đội Hungary tiếp tục chiến đấu chống lại quân đội Liên Xô. Tại Budapest, tướng Erich von dem Bach-Zalewski đã điều động hai trung đoàn của Sư đoàn đặc nhiệm SS "Brandenburg" phối hợp với Trung đoàn xe tăng hạng nặng của Sư đoàn xe tăng 24 (Đức) chiếm đóng các vị trí quan trọng trong thành phố như nhà Quốc hội Hungary, Tòa thị chính Budapest, bưu điện, nhà ga, đài phát thanh, nhà máy điện... Các đơn vị quân đội Hungary tại Budapest được lệnh cấm trại. Thủ đô Budapest bị đặt trong tình trạng giới nghiêm. Các đơn vị quân đội Hungary tại mặt trận và cả Bộ Tổng tham mưu quân đội Hungary cũng đều bị đặt trực thuộc Bộ tư lệnh Cụm tập đoàn quân Nam (Đức). Hai cha con Horthy Miklós được đưa lên tàu hỏa sang Đức.[21]

Những diễn biến chính trị thay đổi đột ngột ở Budapest đã gây ra những xáo động tâm lý trong quân đội Hungary. Ngày 16 tháng 10 năm 1944, thượng tướng Béla Miklós (Dálnoki Miklós Béla), tư lệnh Tập đoàn quân Hungary 1 cùng một sĩ quan tham mưu của tập đoàn quân và 2 trung sỹ quân đội Hungary đã chạy sang trận tuyến của quân đội Liên Xô để đầu hàng tại khu vực của Sư đoàn bộ binh 16 (Hungary). Tại Sở chỉ huy của Phương diện quân Ukraina 4, tướng Béla Miklós đã đồng ý thảo bản "Mệnh lệnh đình chỉ các hành động quân sự với quân Nga và bắt đầu chiến đấu chống lại quân đội Đức". Ngày 17 tháng 10, tướng Béla Miklós đã đọc bản mệnh lệnh này trên Đài phát thanh Moskva. Trong đó có đoạn viết:

Quân đội vương quốc Hungary hãy cầm chắc vũ khí, quay súng vào bọn chiếm đóng Đức còn đang ở Hungary và chiến đấu chống lại tất cả các đơn vị quân Đức. Chậm nhất là 6 giờ sáng ngày 19 tháng 10, các đơn vị Hungary phải bắt đầu các hành động chống lại bọn Hitler. Các sư đoàn đang phòng ngự chống lại quân đội Liên Xô phải rút về các địa điểm đóng quân thời bình và tiêu diệt tất cả các đơn vị quân Đức bắt gặp dọc đường. Người Nga sẽ chi viện cho chúng ta hành động. Đây là thời điểm quyết định. Tổ quốc của chúng ta sống hay là chết. Tôi trực tiếp giao trách nhiệm lịch sử cho những ai nhận được mệnh lệnh này và những người đó phải thực hiện nghiêm túc
— Béla Miklós[23]

Từ Phương diện quân Ukraina 4, thượng tướng L. Z. Mekhlis báo cáo bằng văn bản với Đại bản doanh Liên Xô về việc trong bốn năm ngày gần đây, mỗi ngày, có hàng nghìn quân nhân Hungary chạy sang trận tuyến của phương diện quân; và Phương diện quân Ukraina 4 đã áp dụng nhiều biện pháp binh vận để gọi hàng quân đội Hungary. Tuy nhiên, sau khi chiến dịch Budapestchiến dịch Đông Carpath kết thúc, Bộ Tổng tham mưu Liên Xô mới xác định được rằng tướng L. Z. Mekhlis đã thổi phồng sự thật. Số tù binh Hungary ra hàng tại dải mặt trận của Phương diện quân Ukraina 4 trong nửa đầu tháng 10 năm 1944 không quá 1.000 người.[24]

Sự kiện tướng Béla Miklós ra hàng quân đội Liên Xô cùng những báo cáo lạc quan tếu của tướng L. Z. Mekhlis, Ủy viên Hội đồng quân sự Phương diện quân Ukraina 4 đã kích động trí tưởng tượng của I. V. Stalin, khiến cả Đại bản doanh và Bộ Tổng tham mưu Liên Xô đều cho rằng quân đội Hungary đang trên đà tan rã và tuyến phòng thủ của quân Đức - Hungary sẽ nhanh chóng suy yếu. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10 năm 1944, Bộ Tổng tham mưu Liên Xô mới nhận được những tin tức chính xác về những "biện pháp đặc biệt" mà Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) vừa áp dụng tại Budapest, về sự thay đổi chính phủ ở Hungary và quân đội Hungary hiện đang thực thi các mệnh lệnh của chính phủ mới do tướng Ferenc Szálasi cầm đầu. Việc nắm tình hình muộn màng cùng với những thông tin sai lạc do tướng L. Z. Mekhlis từ Phương diện quân Ukraina 4 báo cáo về đã dẫn I. V. Stalin và Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô đến một sai lầm. Đó là ra mệnh lệnh yêu cầu Phương diện quân Ukraina 2 phải tấn công Budapest ngay khi Chiến dịch Debrecen kết thúc mà không có thời gian chuẩn bị, dù chỉ là 5 ngày như R. Ya. Malinovsky đã yêu cầu.[24] Cũng chỉ đến ngày 24 tháng 10, khi đã thấy rõ là mệnh lệnh của tướng Béla Miklós không có tác động đáng kể lên tinh thần quân đội Hungary, I. V. Stalin mới ra quyết định:

Vì quân đội Hungary vẫn không chịu ngưng các hành động quân sự chống lại quân đội Liên Xô, vẫn tiếp tục duy trì trận tuyến thống nhất với quân đội Đức Quốc xã nên Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao ra lệnh: Quân đội Liên Xô trên chiến trường sẽ tấn công quân đội Hungary cũng như tấn công đối với quân đội Đức Quốc xã
— STAVKA.[25]

Quân đội Đức Quốc xã phản công

Sau khi chiếm Debrecen, Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 (Liên Xô) được giao nhiệm vụ ở lại bảo vệ thành phố và nới rộng phạm vi kiểm soát đến bờ Đông sông Tisza, chuẩn bị tấn công vào Budapest. Quân đoàn xe tăng 23 cũng được Nguyên soái R. Ya. Malinovsky điều động từ lực lượng dự bị của Phương diện quân Ukraina 2 lên tuyến đầu. Các cụm kỵ binh cơ giới của tướng I. A. Pliyev và tướng S. I. Gorshkov được lệnh tiếp tục tấn công lên phía Bắc, đánh chiếm bàn đạp Miskolc; từ đó, tạo thành một mũi vu hồi tấn công vào Budapest từ hướng Đông Bắc. Về tác chiến chiến dịch, cụm quân của tướng S. I. Gorshkov được đặt dưới sự chỉ đạo tác chiến của tướng I. A. Pliev. Ngày 21 tháng 10, Quân đoàn xe tăng 23, 3 quân đoàn kỵ binh và 2 quân đoàn cơ giới Liên Xô tiếp tục tấn công theo hướng Nyíregyháza. Ngày 22 tháng 10, Quân đoàn kỵ binh cận vệ 4 và Quân đoàn xe tăng 23 đánh chiếm Nyíregyháza.[12]

Sự phối hợp không ăn ý giữa tư lệnh và ủy viên hội đồng quân sự Phương diện quân Ukraina 4 đang hoạt động bên sườn phải của Phương diện quân Ukraina 2 đã đem lại hậu quả xấu cho các cuộc tấn công của các tập đoàn quân 27, 40 (Liên Xô), 4 (Romania) và các cụm kỵ binh cơ giới Liên Xô. Mặc dù báo cáo lạc quan về tuyến phòng thủ của quân Đức tại Đông Carpath đang suy yếu nhưng khi Bộ Tổng tham mưu Liên Xô yêu cầu Phương diện quân Ukraina 4 mở các cuộc tấn công trên hướng Uzhgorod đi Chov để chia cắt phòng tuyến của quân Đức thì L. Z. Mekhlis lại đề nghị cho hoãn lại với lý do không đủ lực lượng (Phương diện quân Ukraina 4 chỉ có các tập đoàn quân 1 (cận vệ), 18 và Quân đoàn bộ binh 17).[26] Tận dụng thời gian đó, ngày 22 tháng 10, tướng Johann Friessner đã điều động Quân đoàn xe tăng xe tăng 3, Quân đoàn bộ binh 17, Quân đoàn bộ binh 29 và Quân đoàn bộ binh 9 (Hungary) mở cuộc phản công tại khu vực Nyíregyháza. Quân đoàn xe tăng 4 (Đức) và 3 sư đoàn bộ binh của Quân đoàn bộ binh 72 (Đức) cũng mở cuộc phản công từ Szolnok sang bờ Đông sông Danub.[27]

Nếu như trên hướng Szolnok, Quân đoàn xe tăng 4 (Đức) bị Tập đoàn quân 53 phối hợp với Tập đoàn quân cận vệ 7 (Liên Xô) vừa cơ động tới chặn đứng ở phía Tây sông Kharmash và buộc phải rút về bờ Tây sông Danub sau ba ngày tấn công thì tại khu vực Nyíregyháza, quân Đức đã thu được những thành công đáng kể. Các quân đoàn bộ binh 17 và 29 (Đức) đã lập thành một vành đai phòng thủ vững chắc từ phía Nam Chov đến Nadkallo (Nagykallo). Các quân đoàn này đã chặn đứng các mũi tấn công của Tập đoàn quân 40 (Liên Xô), Tập đoàn quân 4 (Romania) và bắt đầu tiêu hao các đơn vị phái đi trước của Tập đoàn quân 27. Trên tuyến sông Tisza, Quân đoàn xe tăng 3 (Đức) phối hợp với Quân đoàn bộ binh 9 (Hungary) tổ chức đột kích vào sườn trái của Quân đoàn kỵ binh cận vệ 6 (Liên Xô) đang tấn công sang phía Tây Nyíregyháza.[28]

Khi đó, Quân đoàn cơ giới cận vệ 7 (Liên Xô) đang tấn công vào thị trấn Teglash (Teglas), Quân đoàn kỵ binh cận vệ 5 đang cố gắng đánh chiếm thị trấn Hayduhadhaz (Hajduhadhaz), phía Tây Nam Nyíregyháza. Phát hiện mũi tấn công mới của quân Đức ở bờ Đông sông Tisza, tướng I. A. Pliyev lệnh cho tướng S. V. Sokolov, chỉ huy Quân đoàn kỵ binh cận vệ 6 rút về Nadkallo nhưng không kịp. Chiều 22 tháng 10, Sư đoàn kỵ binh 8 SS "Florian Geyer" và Sư đoàn bộ binh sơn chiến 4 (Đức) đã chiếm đóng Kalloshemen (Kallosemjen) và Nadkallo. Sư đoàn kỵ binh 30 và Lữ đoàn cơ giới cận vệ 6 (Liên Xô) đã bị đánh thiệt hại nặng.[29]

Ngày 23 tháng 10, Quân đoàn xe tăng 23 (Liên Xô) đã được điều động lên phía Bắc Debrecen để khôi phục cuộc tấn công. Vừa tới chiến trường, quân đoàn này đã mở cuộc tấn công đánh chiếm thị trấn nhỏ Haydudorog (Hajdudorog) và phát động cuộc tấn công vào Haydunanash (Hajdunanas). Cảm nhận được nguy cơ quân đội Liên Xô đang đe dọa cắt đứt các Quân đoàn bộ binh 17 và 29 khỏi tuyến sông Tisza, ngày 24 tháng 10, tướng Maximilian Fretter-Pico điều động hai trung đoàn bộ binh và 75 xe tăng chặn đánh mũi tấn công của các lữ đoàn xe tăng 39 và 135 (Liên Xô), hai trung đoàn bộ binh và hơn 50 xe tăng chống lại mũi tấn công của Lữ đoàn xe tăng 3 và Lữ đoàn cơ giới 56, ba trung đoàn bộ binh (Hungary) và 25 xe tăng tấn công Haydudorog. Mũi tấn công chính của tướng Maximilian Fretter-Pico gồm 2 sư đoàn bộ binh và 80 xe tăng của Sư đoàn xe tăng 23 tấn công thẳng vào Nyíregyháza.[28]

Để giữ Nyíregyháza, ngày 25 tháng 10, tướng I. A. Pliyev phải điều tới đây các sư đoàn kỵ binh 8, 63. Nguyên soái R. Ya. Malinovsky cũng tăng viện cho cụm kỵ binh cơ giới Liên Xô Sư đoàn đổ bộ đường không 3 lấy từ Tập đoàn quân 27 và Trung đoàn xe tăng 30 lấy từ Quân đoàn cơ giới cận vệ 2. Trong ba ngày 25, 26 và 27 tháng 10, các trận đánh đẫm máu diễn ra ác liệt xung quanh khu vực Nyíregyháza và các thị trấn trong vùng như Denecher (???), Székely, Tura (???) và Napkor. Ngày 27 tháng 10, Sư đoàn đổ bộ đường không 3 và Trung đoàn xe tăng 30 (Liên Xô) bị đánh bật khỏi Nyíregyháza. Các quân đoàn kỵ binh cận vệ 4, 5, 6 và Quân đoàn xe tăng 23 phải rút về tuyến Orosz - Sazkut. Trong đó, Quân đoàn kỵ binh cận vệ 6 bị thiệt hại nặng. Tướng I. A. Pliyev thừa nhận: "Phương diện quân Ukraina 3 vừa để mất một đầu cầu rất có lợi để phát triển tấn công".[12]

Ngày 28 tháng 10, Nguyên soái R. Ya. Malinovsky ra lệnh cho tất cả các tập đoàn quân thuộc Phương diện quân Ukraina 2 chuyển sang tư thế phòng ngự. Trong khi đó, STAVKA lại ra lệnh cho Phương diện quân Ukraina 2 phải tổ chức tấn công ngay vào Budapest trong ngày 29 tháng 10 năm 1944.[24]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Debrecen http://lazarus.elte.hu/hun/digkonyv/topo/200e/39-4... http://bdsa.ru/index.php?option=com_content&task=v... http://militera.lib.ru/h/samsonov2/18.html http://militera.lib.ru/h/sovtankv/12.html http://militera.lib.ru/h/tippelskirch/10.html http://militera.lib.ru/h/ww2_german/19.html http://militera.lib.ru/memo/german/friessner/07.ht... http://militera.lib.ru/memo/german/friessner/08.ht... http://militera.lib.ru/memo/german/friessner/15.ht... http://militera.lib.ru/memo/german/skorzeny1/19.ht...